Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tăng dần quy mô, từng bước chuyển sang phương thức nuôi trang trại quy mô lớn, công nghiệp, bán công nghiệp để khuyến khích người dân tham gia chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Toàn tỉnh có 120.000 hộ chăn nuôi gia cầm
Được biết, hiện nay toàn tỉnh có khoảng 70% số hộ gia đình tham gia chăn nuôi. Trong đó, 120.000 hộ chăn nuôi gia cầm; 70.000 hộ chăn nuôi lợn; 45.000 hội chăn nuôi bò thịt và 1.600 hộ chăn nuôi bò sữa. Với tổng đàn trâu, bò trên 120 nghìn con; trên 547 nghìn con lợn, và trên 8 triệu con gia cầm, ngành chăn nuôi của tỉnh những năm qua đã chuyển mạnh theo hướng hàng hóa, tập trung gắn với đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành các vùng sản xuất tập trung: Chăn nuôi gia cầm ở Tam Đảo, Tam Dương; bò sữa ở Vĩnh Tường, chăn nuôi lợn ở Lập Thạch…
Sở NN& PTNT tỉnh và các ngành liên quan đã hướng dẫn và khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải như: Làm bể sục khí, xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học… góp phần cải thiện môi trường. Công tác vệ sinh, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được thường xuyên giám sát chặt chẽ, nhờ vậy, nhiều năm qua trên địa bàn không để xảy ra dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào, đảm bảo an toàn cho vật nuôi phát triển. Đồng thời Sở NN& PTNT thực hiện nhiều chính sách để thu hút đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến thức ăn và sản phẩm chăn nuôi.Cùng với, hỗ trợ các trang trại chăn nuôi về máy móc, thiết bị để tự chế biến thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm nhằm sử dụng các sản phẩm trồng trọt tại địa phương… góp phần hạ giá thành sản phẩm. Hướng dẫn các trang trại ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến về giống, chuồng trại, quy trình chăn nuôi VietGAP. Xây dựng và chuyển giao các mô hình chăn nuôi phù hợp với từng vùng và đối tượng vật nuôi. Theo đó, nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao như các giống bò ngoại, lợn ngoại, gia cầm hướng trứng, hướng thịt được bình tuyển đưa vào chăn nuôi.
Từ những nố lực thực hiện các chính sách phát triển chăn nuôi trên, tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020, đàn bò sữa của tỉnh đạt 15.000 con, 100% đàn bò sữa đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; chăn nuôi lợn tăng trưởng giá trị sản xuất trung bình 5%/năm và trở thành ngành hàng quan trọng tạo lợi thế cạnh tranh, góp phần vào tăng trưởng nông nghiệp; đối với chăn nuôi gà sẽ quy hoạch thành vùng chăn nuôi tập trung tại Tam Đảo, Tam Dương, phấn đấu quy mô chăn nuôi gà đạt 9,5 triệu con….
Hoàng Anh